Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Ẩm thực Hội An xếp vị trí thứ 6 trong danh sách top 25 điểm đến có ẩm thực hấp dẫn nhất Thế Giới năm 2011. Theo Tripadvisor, các món ăn của Hội An xa hoa, quyến rũ cả trong hương vị cũng như phong cách bày biện. Khách du lịch quốc tế bị mê hoặc vì những món ăn truyền thống, phong phú và ngon miệng như cao lầu, mì Quảng, bánh xèo…

Mời các bạn hãy thưởng thức Những món ăn đặc sản ở Hội An:


1. Mỳ Quảng:

Không ai không biết rằng Mỳ Quảng được coi như ‘Linh hồn’ của đất miền đất này. Khi tôi đặt chân đến nơi đây, một mảnh đất đối với tôi thì rất xa lạ, xa lạ mọi thứ từ những món ăn, lạ đất, lạ người, nhưng có 1 món mà tôi cảm thấy rất quen thuộc, tuy rằng món đó tôi chưa một lần được thưởng thức. đó chính là Mì Quảng.Tôi tìm đến quán Mì Quảng để thưởng thức, điều đầu tiền theo cảm nhận của tôi thì Mì Quảng cũng như phở, bún đều được chế biến từ gạo nhưng lại có hương vị và hình thái riêng biệt.



Ðể làm mì, người ta dùng gạo ngon ngâm nước cho mềm, đem xay thành nước bột mịn, không đặc không lỏng, rồi đem tráng thành lá mì. Khi lá mì chín vớt ra đặt lên mâm cho nguội, dùng hành lá nhúng dầu phụng thoa sơ một lớp cho mì khỏi dính sau đó xắt thành sợi. Nước nhưng (nước chan ăn với mì, tiếng địa phương Hội An còn gọi là nước lèo) – được làm bằng tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò… rất là đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là tôm, thịt hay thịt gà.



Rau sống để ăn với mì thông thường là loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò… của vùng rau Trà Quế nổi tiếng nằm ở phía Ðông Bắc phố cổ Hội An, ăn mì Quảng phải kèm rau sống Trà Quế mới thật đúng vị. Chỉ có rau ở vùng này mới có nhiều mùi vị: cay, chát, ngọt, đắng… làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.

2. Cao Lầu:

Nếu ai chưa từng đến phố cổ Hội An thì cái tên Cao Lầu nghe là lạ làm sao, nhưng đối với người dân Hội An thì đó là một món ăn đặc sản mà bất kỳ một du khách nào khi đến nơi này cũng thưởng thức. Cao Lầu thoạt nhìn qua thì trông rất giống Mỳ Quảng nhưng khi thưởng thức thì mới ngộ ra là không phải là mỳ cũng không phải phở.


Cao Lầu được làm từ Gạo xay thành bột, để ráo nước, nhồi bột cho mịn. Điều đặc biệt, cao lầu không tráng như mỳ mà người ta cán bột thành miếng dày 3-4 mm rồi đem hấp cách thuỷ. Tiếp theo cắt bột thành sợi to bằng sợi mỳ, muốn giữ được lâu đem phơi nắng, bảo quản nơi thoáng mát.

Gạo ở đây là những hạt gạo to tròn, được ngâm với nước tro nên gạo có màu vàng nhạt như nghệ, tro được lấy từ củi tràm ở Cù Lao Chàm, nước hòa cùng với tro được lấy từ giếng Bá Lễ, vừa ngon ngọt vừa trong vắt. Bí quyết để có món Cao Lầu ngon thì nguồn nước và khâu tro ngâm cũng rất quan trọng.


Món cao lầu không thể thiếu nước nhân. Các bà nội trợ thường chọn thịt heo đùi loại ngon, mua về rửa sạch, để nguyên khổ thịt; ướp xì dầu, nước mắm, ngũ vị hương, gia vị… cho thật thấm. Sau đó bắc chảo khử dầu, cho lửa đỏ vừa phải để xíu thịt. Khi thịt xíu bốc thơm ngậy mùi, chuyển sang màu vàng ươm ta vớt thịt ra, chỉ để nước xíu lại. Lúc bấy giờ, khử cà chua, hành tây đã xay nhỏ với dầu, đổ hỗn hợp này cùng nước thịt xíu để làm nước xốt nhân

3. Hoành Thánh:

Nói đến Hoành Thánh Hội An, một số nơi khác như Miền Bắc gọi là ‘Vằn Thắn’. Đây là một món ngon Hội An được xuất xứ từ nước Tàu, vốn là món ngon truyền thống quen thuộc đối với người dân phố cổ Hội An. Hoành Thánh Hội An mang hương vị và sắc thái đặc trưng của người dân Hội An, của miền đất Quảng Nam sẽ làm vừa lòng cho tất cả các thực khách dù là thực khách khó tính nhất. Hoành Thánh được chế biến theo nhiều loại khác nhau như: Hoành Thánh chiên, Hoành Thánh nước, Hoành Thánh Mỳ…Mỗi loại đều có 1 hương vị riêng, tùy thực khách lựa chọn.


4. Cơm Gà:

Để thưởng thức một đĩa cơm gà Hội An thật không khó, nếu bạn đã đến Hội An thì bạn sẽ biết, đâu đâu ở Hội An cũng nghe người ta nhắc đến món ăn đặc sản này.


Gạo để nấu cơm ở đây là loại gạo lúa mới, thơm, ngon, dẻo, hạt to tròn, ướp thêm gia vị để có hương vị đậm đà. Phần chọn gà cũng rất quan trọng, phải chọn loại gà tơ, gà thả vườn ăn thức ăn tự nhiên nên thịt gà chắc, nhưng mềm, da mỏng và rất thơm ngon.


Gạo được vo sạch để ráo nước, trộn thêm chút bột nghệ, dùng dầu phộng phi thơm với hành, trút gạo vào đảo cho thấm dầu, khi hạt gạo khô ráo là được. Cho gạo vào cùng với nước luộc gà, được nấu bằng than củi, canh nước sao cho cơm chín dẻo nhưng không ướt.Không quên thêm một ít lá dứa đã rửa sạch để tạo mùi thơm nồng.

5. Ốc hút:

Ốc hút là một món ăn dân dã nhất đối với người dân phố cổ Hội An, từ phố cổ náo nhiệt đến những vùng quê yên ả đâu đâu cũng có quán ốc hút. Ngày xưa món ăn này chỉ là một món ăn cho vui, nhưng bây giờ ốc hút đã trở thành một món ăn đặc sản. Sau những giờ học căng thẳng học sinh, sinh viên thường rủ nhau đi ăn ốc hút, bạn bè gặp nhau là rủ nhau đi …hút ốc.


Ốc khi mua về thả vào nước pha với ớt bôt ngâm từ 1-2 ngày cho ốc nhả sạch hết bùn đất trong ruột, sau đó chặt hết phần đuôi ốc. Dùng sả, ớt tươi xắt nhỏ cùng với nhiều gia vị khác trôn đều, cho vào nồi đậy kín nắp hấp hơi khoảng 3 giờ. Nhìn nồi ốc lẫn lộn với sả, ớt đỏ tươi với hơi nóng bốc lên, chưa biết ngon dở thế nào chứ con mắt thấy… sướng rồi, cổ họng nuốt nước bọt ực ực…

6. Bánh bao, bánh vạc:


Bánh bao, bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có thơm hương, vị ngọt của thịt tôm.


Bánh bao, bánh vạc được chế biến từ bột gạo, nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người chế biến từ khâu lọc gạo cho đến vân bánh. Loại gạo được chọn để làm bánh phải là gạo lúa mới, thơm, dẻo. Để bột bánh ngon, gạo xay xong cần lọc nhiều lần qua nước, tuyệt đối không dùng chất tẩy trắng hay hàn the.

Phần nhân bánh được bao gồm tôm, thịt heo nạc, nấm mèo, giá và một ít hành lá, tất cả được thái mỏng, xào cùng gia vị sao cho vừa ăn. Bánh vạc thường được bỏ chút nhân tôm quết nhuyễn vào giữa, túm lại như hình quai vạc. Bánh bao thì cho nhân thịt, nấm, giá rồi viền nhẹ xung quanh như một bông hồng.



Sau khi nặn bánh xong, nhẹ nhàng xếp bánh vào nồi hấp cách thủy, chừng mười lăm phút là bánh chín. Đem xếp ra đĩa, bánh bao ở giữa hoặc ở trên, bánh vạc ở xung quanh hoặc bên dưới, sau đó trải một lớp hành phi vàng, một muỗng dầu phụng lên trên bề mặt bánh.

Nước mắm có vị chua, ngọt, cay, thái thêm một ít ớt xanh, đỏ như vậy mới có được một bát nước chấm có màu sắc hấp dẫn.

Ngoài những món đặc sản kể trên, đến với phố cổ Hội An các bạn cũng có thể thưởng thức thêm một số món như: Nghêu hấp, chè bắp, bánh đập, hến xào, bánh ướt chả heo, Lường Phảnh…

Nguồn: blogdulich.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét